CHỈ THỊ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN
TRUYỀN
GIẢI PHÓNG QUÂN - MỘT VĂN KIỆN QUÂN SỰ
CÓ TÍNH
CÁCH MẠNG, KHOA HỌC VÀ TÍNH THỰC TIỄN
SÂU SẮC
Từ
nửa cuối năm 1944, tình hình chuyển biến mạnh mẽ có lợi cho phong trào cách
mạng. Phản công trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Liên Xô quét sạch phát
xít Đức ra khỏi lãnh thổ, giải phóng một số nước như Rumani (8 - 1941), Bungari (9-1944), Nam Tư (10-1944)...
Trên Thái Bình Dương, Anh, Mỹ cũng tấn công phát xít Nhật, giải phóng một số
đảo của Philippin (10 - 1944)... Trong khi đó ở Việt Nam, lực lượng chính trị
(LLCT) và phong trào đấu tranh chính trị (ĐTCT) phát triển nhanh, các đội tự
vệ, du kích cũng hình thành theo tinh thần Chỉ
thị sửa soạn khởi nghĩa (5 - 1944) của Tổng bộ Việt Minh. Bối cảnh đó, cùng
với nhãn quan chính trị sáng suốt, nhạy cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Chỉ
thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” (VNTTGPQ). Bản
Chỉ thị ngắn gọn, chỉ có 330 từ (tính cả tiêu đề), nhưng đến nay 60 năm nghiên
cứu, ta vẫn thấy là một văn kiện quân sự hàm chứa nội dung rộng lớn mang đậm tính cách mạng, khoa học và tính
thực tiễn sâu sắc.
Tính cách mạng, khoa học thể hiện ở nội dung văn kiện đáp ứng
nhu cầu xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) cho tổng khởi nghĩa, đồng thời vạch
ra những vấn đề cơ bản có tính cương lĩnh quân sự và xây dựng LLVT nhân dân cho
công cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc.
Về chuẩn bị LLVT cho tổng khởi nghĩa, Bản Chỉ thị chỉ rõ: cần chọn lọc
một số đội viên kiên quyết, hăng hái, tập trung vũ khí để thành lập đội chủ lực
đầu tiên. Nhiệm vụ ban đầu là tuyên truyền võ trang, đó chỉ là nhiệm vụ giao
thời, thích hợp với thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng toàn
dân khởi nghĩa thì chưa tới. Trong tương lai nó phải là “Đội quân đàn anh, mong
cho chúng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ,
nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có
thể đi suốt từ nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[1]. Ý
tưởng nêu trên, cùng với lời căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp khi tổ chức thực
hiện mà mô hình đơn vị chủ lực đầu tiên đã thành hiện thực với cơ chế chính trị
viên bên cạnh người chỉ huy, đặt dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng. Mô hình đó
đã được nhân rộng, phát triển nhanh ở các đơn vị giải phóng quân sau này. Do
biết tập trung lực lượng, phát triển LLVT đúng hướng, nên tuy còn nhỏ bé, nhưng
uy lực lớn, có sức mạnh hỗ trợ xây dựng LLCT và đẩy mạnh ĐTCT. Lịch sử đã ghi
nhận: Nếu không kịp thời xây dựng LLVT và kết hợp ĐTCT với đấu tranh vũ trang (ĐTVT)
thì Cách mạng Tháng Tám không thể giành được thắng lợi.
Về lâu dài, Bản Chỉ thị nổi bật tính cương lĩnh quân sự và nguyên tắc
xây dựng LLVT. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng
chiến toàn dân”[2] đã kéo
theo một loạt vấn đề như động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, xây dựng LLVT
của dân, do dân, vì dân. Đó là những vấn đề rất cơ bản của chiến tranh nhân dân
và đường lối quân sự của Đảng, Nhà nước ta trong suốt các thời kỳ kháng chiến
và bảo vệ Tổ quốc. Trong Bản Chỉ thị Người nêu rõ tư tưởng xây dựng LLVT ba thứ
quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích. Vì thế, “... Trong
khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì LLVT các
địa phương”[3]. Tuy
phân chia thành các lực lượng khác nhau, nhưng đó vẫn là lực lượng thống nhất,
“Cùng phối hợp hành động, cùng giúp đỡ về mọi phương diện”[4],
trong đó, bộ đội chủ lực giữ vai trò dẫn đầu dìu dắt, giúp đỡ để các LLVT địa
phương trưởng thành. Phương thức hoạt động của các LLVT, Chủ tịch Hồ Chí Minh
hướng dẫn: phải kết hợp quân sự với chính trị, phải vận dụng lối đánh tích cực,
linh hoạt, nhanh chóng, bí mật, khéo che dấu lực lượng, không để đối phương nắm
được ta, hành động theo hướng “nay Đông, mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”[5].
Nội dung nêu trên cho
thấy Bản Chỉ thị đã vượt xa giới hạn về thành lập một đội chủ lực đầu tiên, trở
thành một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự và những nguyên tắc xây dựng
LLVT. Đạt tới tầm cao đó là sự hội tụ,
tiếng nói tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh từ trước đó. Hội nghị thành lập
Đảng (2 - 1930) Người đã đưa vào Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng “tổ
chức quân đội công nông”. Nghị quyết Trung ương lần thứ tám (5 - 1941) do Người
chủ trì đã quyết nghị về xây dựng các đội tự vệ, trong đó đặt chính trị chỉ đạo
viên bên cạnh người chỉ huy. Cũng trong năm này, Người công bố tác phẩm “Cách đánh du kích”. Trong tác phẩm Người
hướng dẫn: Du kích là gì, tổ chức thế nào, nguyên tắc đánh du kích, cách tiến
công, tập kích, phục kích, phòng ngự, đuổi giặc, rút lui, phá hoại, hành quân,
đóng quân, xây dựng căn cứ địa. Như vậy, Bản Chỉ thị kết tinh quá trình tư duy,
tổng kết thực tiễn của Hồ Chí Minh về lĩnh vực quân sự.
Nghiên cứu nội dung của
Bản Chỉ thị ta thấy Hồ Chí Minh đã kế
thừa, phát triển truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta lên tầm cao mới.
“Cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc” đã được nâng lên trình độ chiến tranh
nhân dân, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, xây dựng LLVT làm nòng cốt, có
tổ chức, lãnh đạo chặt chẽ, cả nước là một chiến trường thống nhất. Phát huy
truyền thống đó, nhân dân ta vững bước vào cuộc khởi nghĩa, cuộc kháng chiến,
đồng thời đảm bảo cuộc chiến đấu có thể tiến hành lâu dài, càng đánh càng mạnh
tìm cách chuyển hóa lực lượng ít thành nhiều, yếu thành mạnh. Vì thế, trong
thời đại Hồ Chí Mính, ít địch nhiều, yếu thắng mạnh, không chỉ ở quy mô cấp
chiến thuật mà cả ở qui mô cấp chiến lược.
Nội dung của Chỉ thị phản
ánh Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý
luận bạo lực cách mạng, chiến tranh, quân đội của chủ nghĩa Mác - Lênin vào
thực tiễn Việt Nam. Do đó, hình thức bạo lực và tổ chức xây dựng LLVT phong phú
hơn nhiều so với lý luận chỉ dẫn và thực tiễn cách mạng ở các nước anh em.
Trong hoàn cảnh một nước nô lệ, đất không rộng, người không đông, nghèo nàn,
lạc hậu, phải chiến đấu với đế quốc to, có tiềm lực quân sự, Hồ Chí Minh chủ
trương động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, trên cơ sở đó xây dựng LLVT là
đúng đắn, phù hợp với thực tiễn lịch sử. Chủ trương đó dẫn đến phải coi trọng
xây dựng LLCT và ĐTCT để giành lấy thắng lợi và có chỗ đứng cho LLVT. Ngược
lại, LLVT là chỗ dựa cho ĐTCT, nâng cao uy lực, sức mạnh của ĐTCT. Theo tinh
thần đó, xây dựng LLVT phải đi từ không đến có, nhỏ đến lớn, tập trung xây dựng
đội quân chủ lực đầu tiên làm mô hình phát triển rộng rãi trong toàn quân, toàn
quốc, phát triển bộ đội chủ lực đồng thời duy trì và phát triển các LLVT địa
phương, không bỏ sót một lực lượng nào. Ngay từ buổi đầu Hồ Chí Minh đã đặt
cách mạng nước ta dưới ánh sáng các quan điểm đó, nên trong suốt cuộc khởi
nghĩa giành chính quyền và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đảng ta
không lúc nào quan niệm bạo lực cách mạng đồng nghĩa với ĐTVT mà luôn luôn duy
trì hai lực lượng: LLCT và LLVT, hai hình thức đấu tranh: ĐTCT và ĐTVT. Tuy
vậy, tùy theo tình hình của chiến trường hoặc thời kỳ chiến tranh mà hình thức
này hay hình thức khác nổi bật như một hình thức chủ yếu. Do vậy, LLVT của ta
cũng gắn chặt với dân, của dân, do dân, vì dân, cả ba thứ quân làm nòng cốt cho
toàn dân đánh giặc. Sự vận dụng sáng tạo nêu trên đúng như Hồ Chí Minh đã căn
dặn cán bộ cách mạng nước ta: Muốn đỡ mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm thì chúng ta
phải học tập lý luận, kinh nghiệm và áp dụng lý luận, kinh nghiệm ấy một cách
sáng tạo. Chúng ta không thể áp dụng lý luận và kinh nghiệm ấy một cách máy
móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta. “Không chú trọng đặc điểm
của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm các nước anh em là sai lầm
nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân
tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước
anh em thì mắc sai lầm chủ nghĩa xét lại”[6].
Chỉ thị thành lập Đội
VNTTGPQ không chỉ tính cách mạng, khoa học sâu sắc mà cũng rât cao ở tính thực tiễn, đã đi vào lịch sử cách mạng dưới sự lãnh
đạo của Đảng như một cương lĩnh quân sự xuyên suốt chiều dài lịch sử từ khởi
nghĩa, chiến tranh cách mạng đến bảo vệ Tổ quốc.
Thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa, căn cứ vào Chỉ thị Đảng đã lãnh
đạo, chỉ đạo thành lập đội quân chủ lực đầu tiên theo đúng mục đích, nguyên
tắc, mô hình quân đội cách mạng của giai cấp vô sản và của dân tộc. Đội quân
này phát triển rất nhanh nhằm đẩy mạnh ĐTVT, đẩy mạnh phong trào cách mạng. Sáu
tháng sau, ngày 15 - 5 - 1945 các LLVT đã hợp nhất thành Việt Nam giải phóng
quân, cuối năm quân số đã lên tới 5.0000 với 40 chi đội, nhiều chi đội tham gia
Nam tiến. Với đường lối khởi nghĩa vũ trang đúng đắn, Đảng đã huy động hàng
triệu người lên trận tuyến đấu tranh, không bỏ sót ai, người nào cũng thấy mình
có chỗ đứng trong công cuộc cứu nước. Do xây dựng sẵn lực lượng toàn dân kháng
chiến, nên mặc dầu LLVT còn nhỏ, vũ khí thô sơ, nhưng khéo chớp thời cơ, nên
cách mạng đã nhanh chóng đập tan phát xít Nhật và chính quyền tay sai, giành
được độc lập dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với những nội dung cơ bản, Chỉ thị
tiếp tục là cơ sở định hướng cho Đảng, Nhà nước ta hoạch định đường lối quân sự
phù hợp với từng thời kỳ của cuộc kháng chiến. Nắm vững tinh thần đó, đường lối
đã xác định được những nội dung chủ yếu như mục đích, tính chất, đặc điểm của
cuộc chiến tranh; chỉ rõ đối tượng tác chiến chiến lược, nhiệm vụ quân sự của
cuộc chiến tranh; đề ra kế hoạch xây dựng LLVT, xây dựng căn cứ địa hậu phương;
hoạch định phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự... Mỗi thời
kỳ và mỗi cuộc chiến tranh sự phát triển và hoàn thiện những nội dung đó có thể
khác nhau và ngày càng phong phú, nhưng tựu chung đều xoay quanh một trục định
hướng phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng các LLVT vững mạnh làm nòng cốt
cho toàn dân đánh giặc. Nhờ vận dụng và cụ thể hóa sáng tạo tư tưởng đó, nên
trong hai cuộc kháng chiến, mặc dầu phải đương đầu với hai đế quốc to là Pháp
và Mỹ, chúng có tiềm lực quân sự vào loại bậc nhất các nước tư bản đế quốc,
nhưng nhân dân ta đã chiến thắng. Điều đó cho thấy Chỉ thị có tầm quan trọng
đặc biệt quyết định phương hướng hoàn thiện và phát triển đường lối quân sự và
do đó quyết định đến cả phương hướng vận dụng đúng đắn sáng tạo nội dung đường
lối đó vào thực tiễn xây dựng, chiến đấu của nhân dân ta. Nắm vững tinh thần cơ
bản đó, Đảng, Nhà nước ta đã đưa chiến tranh nhân dân phát triển phong phú lên
tới đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh.
Tư tưởng cơ bản về chiến
tranh nhân dân, xây dựng LLVT nhân dân trong Bản Chỉ thị tiếp tục chỉ dẫn phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta
trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của thời kỳ mới. Theo tinh thần đó, nếu
chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra dù có thể là cuộc chiến tranh hiện đại, vũ
khí công nghệ cao, nhưng điều không thay đổi là nhân dân ta vẫn tiến hành chiến
tranh nhân dân để giành thắng lợi. Phương hướng xây dựng và trang bị cho LLVT
có thể phải điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với yêu cầu mới của chiến đấu,
nhưng nguyên tắc xây dựng LLVT ba thứ quân, cơ chế Đảng lãnh đạo, Thủ trưởng
quân sự, chính trị phân công phụ trách... vẫn giữ nguyên trạng. Điều đó đòi hỏi
Đảng, Nhà nước, nhân dân ta cần phải quán triệt tư tưởng vì dân, do dân, dựa
vào dân, không được xa rời dân của Hồ Chí Minh sâu sắc hơn nữa vào mọi lĩnh vực
của đời sống xã hội, vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, Đảng, Nhà nước cần
có kế sách “khoan thư sức dân”, làm cho mọi người đều giàu có, đó là nền tảng
vững chắc của một quốc gia hưng thịnh, quốc gia mạnh và cũng là cơ sở, điều
kiện củng cố “thế trận lòng dân” “sâu rễ bền gốc” trong sự nghiệp dựng nước,
giữ nước. Tư tưởng đó phải đi vào từng chính sách, phải quán triệt từ Trung
ương tới địa phương, các cấp, các ngành, các khu vực phòng thủ, kể cả giữ gìn,
bảo vệ biển, đảo cũng phải như vậy. Trên biển nếu chỉ có LLVT, dù hiện đại,
đông quân, cũng không thể giữ yên được hải phận, nhất là biển của ta dài, rộng.
Vì thế, bảo vệ biển đảo phải toàn dân, đặc biệt là ngư dân. Vì thế, chủ trương
hiện nay của Đảng, Nhà nước cho ngư dân vay vốn, đóng tàu sắt to lớn, hiện đại,
tổ chức dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển, tổ chức cho ngư dân thành
đội hình đánh bắt xa bờ, nếu có thể được thì vươn ra hải phận quốc tế là chủ
trương đúng, sát hợp với tư tưởng chiến tranh nhân dân và thực tiễn biển đảo
nước ta. Chủ trương đó đảm bảo cho biển, đảo nước ta chỗ nào, lúc nào cũng có
dân, mỗi ngư dân là một người lĩnh, mỗi tàu cá là một pháo đài canh giữ biển,
đảo làm cho đối phương lúng túng, bị động đối phó mọi nơi, nản chí xâm phạm hải
phận của ta. Thực hiện được điều này làm cho thế trận chiến tranh nhân dân trên
biển, đảo của ta vững vàng, chủ động, bởi có sức mạnh toàn dân, trực tiếp là
ngư dân, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... làm nòng cốt. Đúng
như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “... khi nhân dân và lực lượng vũ trang
nhân dân đoàn kết thành một khối thì cuộc đấu tranh nhất định thắng lợi”[7].
[1] Văn kiện
Đảng, ( từ 25-1-1939 đến 2-9-1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 459
[2] Văn kiện
Đảng, ( từ 25-1-1939 đến 2-9-1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 459
[3] Văn kiện
Đảng, ( từ 25-1-1939 đến 2-9-1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 459
[4] Văn kiện
Đảng, ( từ 25-1-1939 đến 2-9-1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 459
[5] Văn kiện
Đảng, ( từ 25-1-1939 đến 2-9-1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 459
[6] Hồ Chí
Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 500
[7] Hồ Chí
Minh toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 118
KHI NHÂN DÂN KHÔNG CÒN VÀO ĐẢNG CS NỮA THÌ SAO ĐỒNG CHÌ NGOCNGUYENDUC????????
Trả lờiXóa