Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Tìm hiểu: “Thuật ngữ phát triển bền vững”


Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 chỉ rõ: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược… phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và phát triển bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế – xã hội”. Đó là một trong những tư duy mới của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay. Cần nhận thức đúng cơ sở lý luận, thực tiễn, quá trình hình thành tư duy mới đó và giải pháp cơ bản để thực hiện phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Thuật ngữ bền vững xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm “Chiến lược bảo tồn thế giới” của Hiệp Hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế của (IUCN), đó là : “sự phát triển của nhân loại không chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”.
Năm 2002, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Johanne sburg – Cộng hòa Nam Phi với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế – xã hội và môi trường của gần 200 quốc gia đã tổng kết kế hoạch hành động về phát triển bền vững 10 năm (1992-2002) và đưa ra các quyết sách liên quan đến các vấn đề về nước; năng lượng, sức khỏe, nông nghiệp và sự đa dạng sinh thái… vào nội hàm của sự phát triển bền vững. Như vậy, khái niệm phát triển bền vững tiếp tục được mở rộng, nội hàm của nó không chỉ dừng lại ở nhân tố kinh tế, sinh thái, môi trường mà còn đi vào các nhân tố xã hội, con người, sự bình đẳng giữa các nước giàu và nước nghèo, giữa các thế hệ; thậm chí còn bao hàm sự cần thiết giải trừ quân bị, giải thể vú khí hạt nhân, để giải phóng nguồn tài chính khổng lồ cho phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, khái niệm phát triển nhanh và bền vững được nhận thức rất sớm, được thể hiện trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đại hội VII thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 1991-2000, nhấn mạnh “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội  2001-2010 tiếp tục khẳng định “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Đến Đại hội X, sau 15 năm thực hiện chủ trương phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, Đảng rút ra bài học kinh nghiệm: “ngoài các nội dung phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, còn bổ sung yêu cầu phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội”. Đến Đại hội XI, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững; phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta”.
Về mặt học thuật: Thuật ngữ phát triển bền vững được giới khoa học nước ta tiếp thu sớm.
- Trước tiên là công trình nghiên cứu “Tiên tới môi trường bền vững” (1995) của trung tâm tài nguyên và môi trường – Đại Tổng hợp Hà Nội; công trình khoa học này đã khái quát phát triển bền vững đòi hỏi đồng thời trên 4 lĩnh vực: bền vững về kinh tế, bền vững về nhân văn, bền vững về môi trường, bền vững về kỹ thuật.
- Về chỉ tiêu phát triển bền vững: Công trình “Xây dựng tiêu chí phát triển bền vững cấp quốc gia ở VN giai đoạn 1” (2005) do Viện môi trường và phát triển bền vững – Hội liên hiệp các hội khoa học- kỹ thuật VN nghiên cứu trên cơ sở tham khảo tiêu chí phát triển bền vững  của báo cáo Brundtland và kinh nghiệm của các nước trên thế giới; công trình đưa ra bộ tiêu chí cụ thể phát triển bền vững đối với một quốc gia trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường.
- Về quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (2000), của tác Lưu Đức Hải và các cộng sự tiến hành đã trình bày hệ thống quan điểm lý thuyết và hành động quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững…
Từ đó đưa ra quan niệm phát triển bền vững ở VN: Là khả năng phát triển liên tục, lâu dài, không gây ra những hậu quả tai hại khó khôi phục ở những lĩnh vực khác nhau như: tàn phá rừng, xa mạc hóa, ô nhiễm môi trường nước, không khí và nhất là môi trường xã hội và an sinh xã hội. Phát triển và hủy hoại môi trường là phát triển không bền vững; phát triển mà chỉ dựa vào những tài nguyên có thể cạn kiệt là phát triển không bền vững; phát triển phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực (FDI) cũng là phát triển không bền vững, vì nguồn ấy có nhiều rủi ro, không chắc chắn và dễ bị lệ thuộc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét