Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG VÀ BÀI HỌC CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG THỜI KỲ HIỆN NAY

ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG VÀ BÀI HỌC CHỦ ĐỘNG
BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG THỜI KỲ HIỆN NAY

                                               Đại tá, TS Nguyễn Đức Ngọc
                                               Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng

Cuộc tiến công chiến lược nửa đầu năm 1972 trên chiến trường miền Nam thắng lớn đã làm chuyển biến cục diện chiến tranh, góp phần quyết định buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Pari, nhưng Mỹ đã tráo trở, lật lọng. Sở dĩ có tình hình đó, là do bản chất ngoan cố, hiếu chiến của họ và do tình hính nước Mỹ. Nich xơn tuy đồng ý với dự thảo Hiệp định, nhưng không muốn ký ngay, bởi có một số điều khoản bất lợi cho Mỹ. Mỹ toan tính: nếu chần chừ kéo dài, đánh thêm một đòn quân sự nữa sẽ ép Viêt Nam phải nhượng bộ nhiều hơn và có thời gian viện trợ cấp tốc vực ngụy quân, ngụy quyền mạnh lên khi Mỹ rút quân. Đưa ra ý tưởng này, Nich xơn cũng đã cân nhắc không lo phản ứng của Liên xô, Trung quốc, vì trước đó Nich xơn đã đến thăm[1], tìm cách cải thiện quan hệ với những nước này và cô lập Việt Nam. Mặt khác, nếu ký trước thềm bầu cử Tổng thống có thể làm cho các cử tri “bảo thủ” Mỹ không bằng lòng, do đó giảm khẳ năng thắng cử của Nich xơn. Thực hiện mưu đồ xảo quyệt đó, Kítxinhgiơ đã không đến Hà Nội như dự kiến để ký tắt Hiệp định[2] và sau thắng cử (7- 11- 1972) Nich xơn quyết định mở cuộc tập kích B52 vào Hà Nội - Hải Phòng mang tên Lainơbêchcơ II. Mục đích cuộc tập kích nhằm phá hoại nặng tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, đánh phá có tính hủy diệt gây khủng khiếp trong nhân dân, tạo lên hậu quả tàn phá lớn khiến Việt Nam phải khắc phục lâu dài, nhằm buộc ta trở lại bàn thương lượng ở thế yếu và hạ thấp một số điều khoản trong Hiệp định có lợi cho Mỹ.
Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng của ta chống lại Cuộc tập kích chiến lược B52 của đế quốc Mỹ từ ngày 18 đến ngày 29 - 12-1972. Mười hai ngày đêm ấy, quân và dân ta phải đánh trả hơn 1 nghìn lần chiếc máy bay các loại, trong đó 740 lần chiếc máy bay B52, chúng đánh phá hủy diệt rất dã man các khu dân cư như Khâm Thiên, Bệnh viên Bạch Mai…. Hà Nội, Mặc dầu vậy, ta đã thắng lớn, bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 máy bay B52, hàng trăm giặc lái bị chết và bắt sống[3]. Thiệt hại lớn đó làm cho đế quốc Mỹ      không chịu nổi, buộc phải kết thúc Cuộc tập kích và ngừng nén bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Chiến dịch đã đạt tới mức tiêu diệt cao nhất, oanh liệt nhất, trong cuộc chiến đấu bảo vệ miên Bắc. Đây cũng là chiến dịch phòng không đầu tiên trên thế giới tiêu diệt nhiều máy bay chiến lược B52 của đế quốc Mỹ, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề trong lịch sử xâm lược của nó. Chiến thắng đã nhấn chìm ý đồ đàm phán trên thế mạnh của Nich xơn, buộc phải đề nghị gặp đại biểu ta bàn ký Hiệp định. Chiến thắng đã góp phần giành thắng lợi quyết định: quân Mỹ rút khỏi miền Nam, thế và lực cách mạng hơn hẳn ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, tạo tiền đề tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Với ý nghĩa và tầm vóc đó, dư luận thế giới gọi là trận  “Điên Biên Phủ trên không”.
Dẫn đến thắng lợi trận “Điên Biên Phủ trên không” do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật xuyên suốt là Đảng và nhân dân ta chủ động, sáng tạo trong phòng tránh đánh trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, đặc biệt thủ đô Hà Nội.
Với Đảng ta, Mỹ đánh phá hủy diệt Hà Nội không phải là điều bất ngờ. Tháng 7 - 1966, trước tình hình chiến tranh phá hoại ngày càng mở rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! không có gì quý hơn độc lập tự do”[4]. Như vậy, Người đã biểu thị quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân đồng thời dự báo Hà Nội, Hải Phòng có thể là một trọng điểm tàn phá và là điều kiện để đế quốc Mỹ mặc cả với ta ở nấc thang chiến tranh này. Đến cuối năm 1967, Người nói rõ hơn “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 đánh ra Hà Nội trước khi chúng chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”[5] Theo chỉ dẫn đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng ta luôn luôn bám sát tình hình thực tiễn, chuẩn bị đối phó với bước leo thang cao nhất, Mỹ có thể đánh phá hủy diệt Hà Nội - Hải Phòng. Vì thế, ngay sau khi Nich xơn ra lệnh ngừng ném bom và bắn phá bắc vĩ tuyến 20 trở ra (22-10-1972) Quân ủy Trung ương nhận định “Địch sẽ tập trung đánh phá ác liệt từ Thanh Hóa trở vào, đồng thời có khả năng chúng sẽ đánh phá lại miền Bắc. Do đó, trong khi tiếp tục chỉ đạo cuộc chiến đấu bảo vệ giao thông ở phía Nam ta phải nâng cao cánh giác, tích cực chuẩn bị luôn luôn sẵn sàng chiến đấu ở phía Bắc để đối phó có hiệu quả khi địch đánh trở lại”[6] . trước tình hình dây dưa, lật lọng không ký Hiệp định Pari ngày 27-11-1972. Quân ủy Trung ương nhận định rõ hơn “Có khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn kể cả dùng B52 đánh ồ ạt vào Hà Nội - Hải Phòng”[7] Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị phải sẵn sàng chiến đấu cao. dự báo và nhận định nêu trên đã biến thành chủ trương và hành động cụ thể của Đảng và quân dân ta chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng quân và dân ta đã nỗ lực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chiến đấu giánh trả đích đáng trận tập kích bằng không quân hiện đại của đế quốc Mỹ.
Vấn đề bảo vệ dân được đặt lên hàng đầu. Các Hội đồng phòng không nhân dân ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp khẩn trương sơ tán dân. Trong khu phòng thủ trọng điểm, Hà Nội sơ tán 54 vạn dân nội thành trong tổng số 64 vạn dân, Hải Phòng sơ tán 21 vạn dân trong tổng số 27 vạn dân. Số còn lại phần lớn là những người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu và công tác. Về chuẩn bị lực lượng ta đã huy động 50% đơn vị cao xạ, 60% đơn vị tên lửa, 100% đơn vị không quân chiến đấu cho chiến dịch. các đơn vị phòng không của quân khu, các tỉnh lân cận nhận được lệnh phối hợp chiến đấu. Ngoài ra, lực lượng đông đảo các đơn vị, bắn máy bay tầm thấp của quân dân tự vệ cũng nằm trong đội hình chiến dịch. Để nâng cao chất lượng chiến đấu, các trận địa phòng không và hầm hào phòng, tránh cũng được củng cố. Các lực lượng vũ trang, đặc biệt phòng không không quân đều được tập huấn nhằm nâng cao trình độ tác chiến lên ngàng tầm với đòi hỏi chống B52 của Địch. Theo đó, các tài liệu về máy bay B52 được phổ biến, nan giải và khó khăn nhất là chống nhiễu do đối phương gây ra cũng được giải quyết.
Cả miền Bắc xung trận, đặc biệt Hà Nội - Hải Phòng nơi diễn ra chiến dịch khí thế dâng lên rất cao. Bộ Chính trị và cơ quan đầu não chỉ huy giữ nguyên vị trí để chỉ đạo kịp thời, sát diễn biến của tình hình, đồng thời động viên củng cố ý chí chiến đấu và niềm tin của nhân dân. Do ta bố trí phòng không nhiếu tầng, nhiều hướng, nhiều lực lượng nên các đơn vị đều lập công. Tên lửa, pháo phòng không, máy bay MIC, diệt B52 trong đó tên lửa bắn rơi 30 chiếc. Các trận địa pháo của dân quân tự vệ băn rơi 11 chiếc tầm thấp, bắt sống nhiều giặc lái[8]. Đăc biệt bộ đội Ra Đa chống được nhiễu, phát hiện sớm máy bay địch từ 25 đến 30 phút, giữ trọn lời thề “không để Tổ quốc bị bất ngờ” Các lực lượng phụ vụ chiến đấu tiếp lương, tải đạn, khắc vục hậu quả nhanh, gọn. Do làm tốt công tác phòng không, sơ tán, nên thiệt hại về người và của ở mức thấp nhất. Rõ ràng “Điên Biên Phủ trên không” là Chiến dịch phòng không nhân dân đánh bại chiến tranh công nghệ cao của đế quốc Mỹ. Chiến dịch đã góp phần đánh bại ý chí xâm lược Việt Nam của tập đoàn Nich xơn. Ngày 6-1-1973 Ông ta chỉ thị cho Kítxinhgiơ “Cần đạt nhanh một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện khắt khe”[9].
“Điện Biên Phủ trên không” trong điều kiện miền Bắc kinh tế rất khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật thấp kém so với đối phương, lại cùng lúc thực hiện nhiệm vụ, chống chiến tranh phá hoại, giải phóng miền Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Lào và Cămpuchia, nhưng chúng ta đã thắng, thực tiễn đó cho chúng ta bài học: Trong điều kiện kinh tế, vật chất kỹ thuật còn hạn chế, nhưng một Đảng, một dân tộc, đồng tâm nhất trí biết chủ động, sáng tạo, hoàn toàn có thể khắc phục những yếu kém, giáng trả đích đáng kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, dù cho chúng tiến hành chiến tranh vũ khí công nghệ cao. Bài học giữ nguyên giá trị hiện thực chủ động, sáng tạo bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bài học cho thấy, trước hết phải chủ động nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của các thế lực thù địch, trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ngay từ thời bình, phải tuyên truyền giáo dục sâu rộng vấn đề này, vì trong khi tập trung xây dựng kinh tế và hội nhập quốc tế làm cho đất nước giầu mạnh lên thì một số người không     hiểu sâu sắc điều đó, họ ngộ nhận về “một thế giới đại đồng” và “ một Tổ quốc hòa bình, độc lập vĩnh cửu”, nên với họ, không có kẻ thù, không có đối tượng tác chiến. Nhưng thực tiễn không như họ nghĩ. Chiến tranh thế giới tuy chưa xảy ra, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, tranh chấp đất liền, biển, đáo… đang diễn ra ở nhiều nơi.Trên đầu nước ta, kẻ thù vẫn nhòm ngó và ấp ủ mưu đồ xâm lược, chúng xây dựng các tổ chức chính trị phản động trong nội địa và lưu vong, gây mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, vùng miền, kích động quần chúng biểu tình chống Đảng, Nhà nước và sẵn sàng bạo loạn lật đổ. Chúng còn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với hy vọng, cán bộ, đảng viên sẽ “tự diễn biến” để chúng không đánh mà thắng. Tình hình nêu trên đòi hỏi Đảng, Nhà nước, phải chủ động tuyền truyền giáo dục, để người dân cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch. Theo đó, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, trong thời kỳ mới “nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều thực hành vào công cuộc yêu nước…”[10]. Chỉ dẫn đó cho thấy, phải làm cho mọi người nhận thức sâu sắc kinh tế - quốc phòng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Kinh tế phát triển, đất nước giàu mạnh về mọi mặt cũng là tiềm lực và sức mạnh của quốc phòng. Ngược lại, một nền quốc phòng vững mạnh, hiện đại, mới đủ sức bảo vệ phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ và tham gia xây dựng kinh tế. Tuy vậy, hai nhiệm vụ đó không thể thay thế nhau và không phải là một. Nhận thức sâu sắc điều đó thì dù có khác nhau: người trực tiếp sản xuất hay giám tiếp, là viên chức nhà nước hay giới kinh doanh, người trong nước hay ở ngoài nước đều có thể góp phần mình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong đó giữ gìn bí mật quốc gia, vì lợi ích quốc gia dân tộc là tiêu chí chung của tinh thần yêu nước.
Trong khi chủ động làm tốt công tác chính trị tư tưởng, đồng thời phải chủ động chuẩn bị các mặt khác, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù nếu chúng liều lĩnh xâm lược Tổ quốc. Theo tinh thần đó, trước hết phải làm tốt công tác dự báo chiến lược. Đáp ứng đòi hỏi này phải theo dõi, bám sát tình hình, đánh giá đúng tình hình đồng thời bổ sung những nhận định mới, từng bước hoàn thiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống. Lực lượng bảo vệ Tổ quốc phải được chuẩn bị theo hướng chất lượng cao. Quân đội nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc phải chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dân quân tự vệ phải rộng khắp và thường xuyên tập huấn, lực lượng dự bị động viên phải chuẩn bị theo hướng tuyển chọn đội ngũ cán bộ sĩ quan được đào tạo và rèn luyện cơ bản, bổ xung kịp thời khi có thay đổi nhân sự, định kỳ tập huấn cung cấp kiến thức mới, yêu cầu mới cho họ. Binh khí kỹ thuật, cơ sở vật chất từng bước phải được tăng cường đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, chống chiến tranh vũ khí công nghệ cao, trước hết trang bị cho quân đội. Tuy nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát triển cao, nhưng vẫn phải có một tỷ lệ nhất định để sản xuất hoặc mua sắm trang bị vũ khí cần thiết mà không chờ cho kinh tế phát triển thật đầy đủ mới sản xuất hoặc mua sắm. Phải chuẩn bị chu đáo các khu vực phòng thủ. Theo đó, ở các khu vực này phải có các phương án chiến đấu theo tưởng định, phải định kỳ diễn tập, thực hành bố trí kho tàng, bến, bãi, phải thực sự, thực tế, không hình thức, hời hợt. Cần làm cho mọi người nhận thức sâu sắc sẵn sàng diễn tập là hình thức huấn luyện tổng hợp thực tế, do đó các cấp, các ngành, và toàn dân đều phải vào cuộc. Nên trách những biểu hiện “bớt xén”, làm chiếu lệ trong quá trình củng cố và hoàn thiện các khu vực phòng thủ.
        Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo giành thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” Năm xưa (1972), Đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đại hội lần thứ XI của Đảng (2001) chỉ rõ phải “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả tiềm lực và thế trận xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Quyết định đó, cũng là thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh   phải thường xuyên quan tâm “củng cố quốc phòng”[11]… “Phải luôn luôn tỉnh táo, giữ vững lập trường quyết không được vì hoàn cảnh hòa bình mà mất cảnh giác. Phải luôn sẵn sàng đập tan mọi âm mưu độc ác của kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng bảo vệ lao động hòa bình của nhân dân”[12]







[1] Ních Xơn thăm Trung Quốc tháng 2-1972; thăm Liên Xô tháng 5-1972
[2] Mỹ thỏa thuận với ta ngày 24-10-1972, Kitxinggiơ sẽ đến Hà Nội để ký tắt Hiệp định, ngày 27-10-1972 công bố Hiệp định ở thủ đô hai nước; ngày 31-10 ký kết chính thức tại Pa ri.
[3] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Tập 2, Nxb CTQG, H. 1995, tr 578
[4] Hồ Chí Minh  Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H 2000. tr 108
[5] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 2, Nxb CTQG, H 1995, tr 566
[6] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, H 1988, tr 267
[7] Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, H 1988, tr 267
[8] Số liệu dẫn trong Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954-1975) Viện nghiên cứu chủ nghĩa mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
[9] Kítxinhgiơ, Những năm tháng ở Nhà trắng, Nxb Pâya, Pari, tr 1175
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, nxb CTQG, H 2000, tr 172
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, nxb CTQG, H 2000, tr 505
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H 2000, tr 311

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét